
Theo báo cáo, đa số các gói thầu thu hút nhiều nhà thầu tham dự hơn so với những năm trước. Sự xuất hiện của những nhân tố mới làm tăng tính cạnh tranh trong đấu thầu.
Chủ trương đấu thầu trợ giá xe buýt TP.HCM đã có từ 20 năm trước, ì ạch mãi... Tuy nhiên, sau gần hai thập kỷ “ngóng đợi”, công tác đấu thầu trợ giá xe buýt tại TP.HCM trở nên sôi động vào cuối năm 2023, mang theo làn gió cải cách mạnh mẽ và hiệu quả vượt mong đợi cho ngân sách thành phố và làm vỡ tung “bầu sữa” trợ giá xe buýt.
Sự xuất hiện của các doanh nghiệp vận tải lớn, đặc biệt là Công ty cổ phần (CP) xe khách Phương Trang – FUTABUSLINES, đã phá vỡ thế “độc đạo” trong lĩnh vực xe buýt công cộng, góp phần tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch và hiệu quả.
Theo dữ liệu hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, từ cuối năm 2023 đến nay, TP.HCM đã tổ chức đấu thầu 76 tuyến xe buýt có trợ giá, tiết kiệm khoảng 1.295 tỉ đồng cho ngân sách. Cụ thể: năm 2023 đấu thầu 22 tuyến, tiết kiệm 252 tỉ đồng; năm 2024 đấu thầu 17 tuyến kết nối tuyến Metro số 1, tiết kiệm 278 tỉ đồng; quý 2/2025 tiếp tục đấu thầu 37 tuyến, dự kiến tiết kiệm thêm 765 tỉ đồng.
Tỷ lệ tiết kiệm từ 20 - 72% trong từng gói thầu cho thấy hiệu quả thực chất của cơ chế cạnh tranh. Trong đó, tuyến xe buýt số 33 là một điển hình: với sự tham gia của 4 nhà thầu gồm Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải sinh thái Vinbus, Công ty CP xe khách Phương Trang FUTABUSLINES, Công ty CP xe khách Sài Gòn và HTX Vận tải 19/5, kết quả đấu thầu ghi nhận Vinbus giảm tới 72,1% mức giá trợ giá – mức giảm sâu nhất từ trước đến nay.
Kết quả đánh giá sơ bộ ban đầu (chưa xét đến quy đổi lợi thế phương tiện), Phương Trang là đơn vị có kết quả trúng thầu cao nhất, 15/17 gói (29/37 tuyến), tiếp theo là VinBus trúng 8/37 tuyến.
Ông Trần Hữu Trí - Phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM - cho biết: “Quy định này đảm bảo cạnh tranh, công bằng, công khai, minh bạch giữa các nhà thầu. Theo đó, nhà thầu dự thầu sẽ phải căn cứ vào công thức chung và cơ sở năng lực hiện hữu để lựa chọn phương tiện dự thầu, tính toán và đưa ra giá dự thầu hợp lý”.

Theo một số chuyên gia, việc giảm giá nếu đi đôi với đảm bảo yêu cầu về chất lượng dịch vụ sẽ mang lại hiệu quả rất lớn cho thành phố, giảm gánh nặng chi phí trợ giá hằng năm.
Việc chậm triển khai đấu thầu trong nhiều năm qua đã gây lãng phí nghiêm trọng cho ngân sách thành phố. Tuy nhiên, thực tiễn thời gian gần đây đã chứng minh: càng minh bạch – càng tiết kiệm, càng có nhiều doanh nghiệp uy tín tham gia – càng nâng cao chất lượng dịch vụ.
TP.HCM cần tiếp tục kiên định lộ trình đấu thầu toàn diện các tuyến còn lại, như một bước đi không thể đảo ngược để giảm gánh nặng trợ giá, nâng cao hiệu quả đầu tư công và phục vụ người dân tốt hơn.
theo: 1thegioi.vn